An Vũ

Bài viết gốc: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nhung-buc-tranh-gui-len-troi-gio-long-1434585.ldo

Nửa năm sau lễ bảo vệ tốt nghiệp tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hoàng Huệ Phương là họa sĩ đầu tiên của khóa học 2019 – 2024 trưng bày triển lãm tranh cá nhân. Với hơn 50 tác phẩm, sử dụng đa chất liệu, nhiều kích cỡ, Phương vẽ thế giới của mình, cho mình, nhưng cũng là mở các ô cửa cho chặng đường hội họa tiếp theo.

Những bức tranh gửi lên trời gió lộng
Tác phẩm “Trước cơn mưa mùa hè”, tranh sơn dầu, 2023.

Tranh trong triển lãm được thực hiện từ năm 2019 – 2024, hơn một nửa số đó được Phương vẽ trong năm 2024. Đủ chất liệu từ chì, bột màu, lụa, sơn dầu, sơn mài, nhiều nhất là các tranh sơn dầu – đúng chuyên ngành Phương theo học. Nếu các tranh chì, bột màu Phương dùng gam màu trầm, tương đồng, thì tranh sơn dầu Phương dùng nhiều màu sắc rực rỡ, tương phản mạnh. Cảm xúc như một khối cầu nở dần, từ man mác, tĩnh lặng chuyển thành dữ dội, bùng nổ. Họa sĩ từ khách thể điềm tĩnh quan sát, chuyển thành chủ thể nhúng trong nỗi buồn với sự tha thiết gửi bay đi.

Không ngẫu nhiên Phương đặt tên cho triển lãm của mình là “Trời buồn gió cao”. Nỗi buồn theo cô sau những lần gia đình chuyển nhà, xa cách người thân, nhận những lời ác ý từ bạn học ngày nhỏ. Phương yêu vẽ, nhưng lựa chọn ngành học đầu tiên là luật. Cô tốt nghiệp và làm về luật trước khi vào trường Mỹ thuật. Chặng đường Phương trải qua rất giống một cuộc phiêu lưu, mà những sự thay đổi hầu như không định trước.

Giống cách Phương bắt đầu vẽ một bức tranh, đó là Phương không phác thảo kỹ, những tình cảm và suy tư trong lúc vẽ sẽ dẫn cô đi. Rẽ vào đâu, đi lối nào, thử cách nào… với vẽ cũng là “thám hiểm” bức tranh ấy. Phương vừa là người thám hiểm, vừa tạo ra quang cảnh để thám hiểm. Sự lộ ra cuối cùng, nơi Phương đến, có thể là xác của một con chim chết bên bờ biển mà lông chim chưa bay hết, là những đoạn xương sót lại, cũng có khi là một khu rừng, một vùng đất cạn, một bờ bãi ngập, một công trường, một thành phố vắng người… – cái nơi vừa rất cô đơn vừa còn hy vọng, vừa tha thiết trân trân vừa muốn rời đi mải miết.

Người xem đặt câu hỏi, sự cô đơn này có đáng giá không? Chắc hẳn họa sĩ không có ý gieo rắc nỗi cô đơn cho bất cứ ai đứng trước bức tranh hoặc ngắm nhìn nó. Nỗi cô đơn cũng chẳng phải sự ẩn dụ cho bất cứ điều gì lớn lao, kỳ vĩ. Nhưng nếu, tập hợp các mạch cô đơn đó, thì dòng chảy của sự chân thật hiện ra.

Họa sĩ vẽ xương bởi vì sợ xương, vẽ giấc mơ bởi từng có nhiều hoảng hốt trong mơ, vẽ cánh chim bởi con chim yêu quý đã bay lạc khỏi nhà mà không trở về… Những nỗi sợ và mất mát một con người chịu đựng, dù riêng tư, nhưng tại sao lại không thể thành tranh để nói về điều đáng giá? Sự đối diện, bóc tách, xâu chuỗi cảm xúc, tâm trạng, suy tư – tại sao lại xao lãng sự tập trung?

Tác phẩm trong chủ đề “Con chim bay lạc“, sơn mài, 2024.
Tác phẩm trong chủ đề “Con chim bay lạc“, sơn mài, 2024.
Tác phẩm “Cầu gai“, sơn dầu, 2024.
Tác phẩm “Cầu gai“, sơn dầu, 2024.
Tác phẩm “Bông bay“, sơn dầu, 2024.
Tác phẩm “Bông bay“, sơn dầu, 2024.

Người ta nói về sự thuần khiết, giống như yêu cầu hội họa thuần khiết phải giữ được phẩm chất ngôn ngữ thị giác riêng biệt khác hẳn đặc điểm của sân khấu, văn học – gây cảm xúc trực tiếp, chọn lọc, không diễn giải, kể lể, dài dòng – với con mắt lấp lánh như mang một trọng trách, sứ mệnh. Nhưng yêu cầu như thế với một họa sĩ vừa mới bắt đầu con đường hội họa của mình có phải quá khắt khe, lẫn nhiều kỳ vọng?

Sự kỳ vọng và gánh nặng nếu giữ quá lâu, có thể làm người ta thui chột cảm xúc, đưa đến nỗi sợ, sự phân vân, lưỡng lự mà không dám bắt tay thực hiện điều gì. Suy nghĩ thì lâu, vẽ thì nhanh, nhưng nếu không bắt tay vào vẽ, bức tranh sẽ “chẳng bao giờ xong cả”. Như vậy khoảng cách giữa mong muốn sáng tạo với bức tranh thực tế sẽ càng khó thu hẹp.

Mặc dù hình dung về một triển lãm cá nhân có thể khác, nhưng sự mạnh dạn của Phương ở trưng bày đầu tiên này là trải nghiệm tốt cho bất kỳ họa sĩ nào khi bước chân vào con đường hội họa chuyên nghiệp. Mỗi diễn giải của Phương cùng với tranh trưng bày, dù nông – sâu, trong con mắt của một số đồng nghiệp có thể không thật cần, nhưng với Phương vẽ là để vui và chữ cũng là một ngôn ngữ thị giác.

Người khác có chuyện “khóc vì vẽ”, còn Phương chỉ là “vẽ vì khóc thôi”. Nhưng nhờ học luật, Phương cũng có lý trí đủ mạnh để giữ được tính kỷ luật mà các bạn học mỹ thuật hay thiếu sót. Cô có khả năng chịu đựng được cả điều mình không thích. Việc vẽ vui, song không phải lúc nào họa sĩ cũng thích vẽ. Nhất là nhiều tranh vẽ xấu, phải “vứt đi”. Phương nói rằng, cô vẫn cứ vẽ, “cắn răng vẽ, mệt cũng cố đi”, thế rồi cũng “đã đi qua rất nhiều con đường” để có thể cảm nhận sắc sảo về nó.

Trong rất nhiều con đường đó, có lẽ, con đường đáng giá nhất là đã dẫn Phương kết nối được với thứ tưởng đã mất và đổ vỡ, với một người nào đó, một điều gì đó. Nghệ thuật có thể nối liền những chia lìa, xa cách, âu sầu; việc vẽ ra là có thể mang nỗi buồn gửi lên bầu trời gió lộng, đủ để, có thể không đồng cảm sâu sắc với sự âu sầu to lớn của một ai khác, thì cũng thấy “sự âu sầu rất đẹp”.

Vẻ đẹp ấy như những cánh chim bay, bay trên những ngọn cây, mà “Từng chiếc lá rung rinh đều làm từ nước mắt” như có lần Phương đã viết.

Họa sĩ Hoàng Huệ Phương sinh năm 1995, tại Hưng Yên.
Cử nhân Luật Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương.
Tốt nghiệp chuyên ngành Sơn dầu, khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2024.
Cô hiện sống và làm việc ở Hà Nội.
Triển lãm “Trời buồn gió cao” trưng bày từ ngày 6 – 13.12 tại MAI Gallery, 113 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.