Hồi mới học vẽ, mình cứ hay nghĩ là phải vẽ một thứ gì có ý nghĩa. Học vẽ được lâu lâu mới thấy, chính ra phải vẽ những thứ nhảm nhí thì mới chuẩn bài.
Thứ nhất, vẽ nhảm làm mình bớt gánh nặng tâm lý, nhờ đó vẽ được nhiều hơn. Vẽ nhiều sẽ học được nhiều, vì đây là câu chuyện của tay chân, của lao động, chứ không thể nói suông. Câu hỏi với những người mới học không nên là “làm sao để vẽ đẹp?”, mà phải là “làm sao để vẽ nhiều hơn?”.
Thứ hai, ta không biết được là thứ gì thật sự thì sẽ có ý nghĩa, nếu không trải qua quá trình kiểm chứng và nghe ngóng bản thân lâu dài. Sự thật là càng ít học thì đầu óc ta có càng nhiều định kiến sai lầm. Học được một chút rồi mới thấy bản thân phải thận trọng hơn trong phán xét. Có những thứ thoạt tiên ta tưởng là nó hấp dẫn ta, vẽ nó một hồi lại hoá nhạt nhẽo. Và ngược lại.
Thứ ba, đôi khi những thứ “có ý nghĩa” lại rất khó đẹp về mặt hội hoạ. Việc vẽ vốn đã kén chọn mẫu, nào là bố cục, tạo hình phải đẹp, hoà sắc phải hay, bây giờ lại thêm “phải có ý nghĩa”, thì thật sự là gánh nặng này đã lớn quá rồi. Người mới học không gánh nổi đâu.
Tóm lại là tân thủ nên bớt kén cá chọn canh về đề tài hay hình tượng. Nên thấy gì vẽ nấy, vẽ lung tung, nhảm nhảm, như thế thì sẽ dễ tiến bộ hơn.
Tâm sự của một người cũng là tân thủ, nhưng đã là tân thủ vài năm rồi.