…𝗛𝗮𝘆 𝗹𝗮̀ 𝗴𝗶𝗼̛́𝗶 𝗵𝗮̣𝗻 𝗰𝘂̉𝗮 𝗻𝗴𝗼̂𝗻 𝘁𝘂̛̀
Ngôn ngữ quyết định tư duy. Đó là một chủ đề còn nhiều bàn cãi, nhưng có không ít những nghiên cứu đã chứng minh nhận định trên.
Đó là lý do tại sao nhiều học giả lại đấu tranh cho việc đưa chữ Hán vào chương trình phổ thông, để tìm lại hồn cốt của tiếng Việt. Và việc chỉ đọc và viết tiếng Quốc ngữ bị cho là làm mất đi phần tâm thức văn hoá đã được nuôi dưỡng hàng ngàn năm.
Một bộ phim giải thích rất rõ cho ý tưởng trên, đó là phim Arrival (2016) của đạo diễn Denis Villeneuve. Trong phim, nhà ngôn ngữ học Louise Banks đã cố gắng giải mã ngôn ngữ của người ngoài hành tinh để tìm hiểu lý do họ đến Trái Đất. Trong quá trình học và hiểu thứ ngôn ngữ này, Louise dần dần có được khả năng nhìn thấy trước tương lai, và hiểu rằng ngôn ngữ chính là vũ khí đầy sức mạnh của con người.
𝐻𝑜̉𝑖: 𝐵𝑎̣𝑛 𝑘𝑒̂̉ 𝑡𝑒̂𝑛 đ𝑢̛𝑜̛̣𝑐 𝑚𝑎̂́𝑦 𝑚𝑎̀𝑢 đ𝑜̉?
Có thể bắt đầu bằng ví dụ gọi tên màu sắc, ví dụ màu đỏ. Thông thường nam giới chỉ có thể đưa ra một vài tên gọi chung chung, ví dụ “đỏ son”, “đỏ thẫm”, “đỏ tươi”, “đỏ thắm””, v.v. Phụ nữ, vốn say mê với các bảng màu trang điểm, chắc hẳn sẽ có danh sách dài hơn: “đỏ gạch”, “đỏ tím”, “đỏ Bordeaux”, “Đỏ san hô”, v.v. Người buôn vải vóc hoặc bán sơn tường có một trường từ vựng phong phú hơn nhiều: “đỏ lòng tôm”, “đỏ gỉ sắt”, “đỏ mận”, “đỏ cà rốt”, v.v. Họ cũng sẽ không gọi màu đỏ lợt hoặc cam lợt là “màu hồng” như hiểu lầm của rất nhiều người.
Một sự thật là, nếu bạn không biết tên của nhiều màu đỏ lắm, điều đó không có nghĩa là bạn vẽ yếu. Đôi khi, mọi thứ còn đảo hướng theo chiều ngược lại: Càng ít phụ thuộc vào tên gọi, chúng ta càng quan niệm về màu rõ ràng hơn.
Đa phần các hoạ sĩ, vốn là những người có sự nhạy cảm bậc nhất về màu, lại có một vốn từ vựng hạn chế về màu sắc hơn so với thợ pha sơn. Bởi vì việc đặt tên, hoặc gọi tên một đối tượng, đôi khi sẽ giới hạn khả năng nhận thức và sáng tạo của chúng ta đối với đối tượng đó.
Hãy lấy ví dụ cho dễ hình dung. Bạn thử một lần thất tình xem. Khi đó, những từ ngữ riêng lẻ như “buồn”, “tuyệt vọng”, “u sầu” dường như hoàn toàn trống rỗng. Chúng bất lực đến thảm hại khi đứng cạnh nỗi niềm choáng váng và to lớn của riêng mình. May thay, còn có phép so sánh để chúng ta vịn vào. Kiểu “yêu là chết ở trong lòng một ít”.
Quan niệm về màu cũng tương tự. Những cái tên không giúp ích gì nhiều trong việc vẽ của bạn – trừ việc giúp đọc nhãn màu và nhận biết thành phần (thật ra nhiều hoạ sĩ đỉnh cao mà mình biết có lẽ cũng chẳng cần đọc nhãn màu đâu). Ở trình độ tối thiểu, người vẽ cũng cần hiểu rằng màu sắc cần được quan niệm ở trong một tổng thể, một bối cảnh. Chúng ta gọi đó là hoà sắc. Trong ngôn ngữ, người ta gọi đó là ngữ cảnh. Đó là hệ thống để thực hiện các phép so sánh. Vì vậy mà trong các lớp học vẽ vỡ lòng, có một nguyên tắc cần ghi nhớ trước hết: không có màu xấu, chỉ có hoà sắc xấu.
Có một trạng thái rất lý tưởng trong hội hoạ, đó là việc nhận thức cái “hiện là”. Nói cách khác, đó là nguyên tắc “seeing over knowing”, tức là thay vì vội vã tin tưởng vào hiểu biết và kinh nghiệm, chúng ta hãy quan niệm về sự vật một cách trong sáng và ngây thơ giống như một tấm chiếu mới. Giống như Socrates nói: “Điều duy nhất ta biết, đó là ta chẳng biết cái gì cả”. Không nên đặt tên hay gọi tên sự vật, vì cái tên dễ dẫn đến những khía cạnh phiến diện và gây hiểu lầm. Vì cảnh trí đó mới mẻ – nó hẳn phải là một đối tượng vô danh.
Dẫu biết vậy, mình phải nói là quá trình từ bỏ những gì “ta tưởng là đã biết” đó rất khắc nghiệt. Nó khổ sở y hệt như cái cách mà Thomas Anderson trở thành Neo trong phim The Matrix.
Những lời lẽ rối ren trên đây có thể làm nản lòng rất nhiều các bạn đang học Hồng Xiêm. Có thể các bạn đang tự hỏi: Vậy nếu không gọi màu đỏ là màu đỏ, làm sao chúng ta có thể giao tiếp? Không thông qua ngôn ngữ, làm sao chúng ta chia sẻ tri thức và bàn luận về tri thức?
Cách đây không lâu, bạn mình từng giải thích cho mình về một phương pháp thực hành chánh niệm, ấy là chấp và phá chấp. Trước hết cần chấp niệm vào một điểm, sau đó phá chấp để còn lại trạng thái vô chấp. Có lẽ nó khá giống như khi học màu. Đầu tiên cần một hệ thống lý thuyết để làm điểm tựa cho nhận thức về màu sắc. Trong khi học, sớm thôi, người ta sẽ thấy hệ thống lý thuyết đó không còn bao chứa nổi sự phong phú và kỳ diệu của tự nhiên (“Núi sông không còn là núi sông”). Đó cũng là khi trực giác được hình thành, và ta không còn lệ thuộc vào một khái niệm hay định kiến nào nữa – chỉ còn lại nhận thức tinh khôi và toàn vẹn.
Cám ơn bạn vì đã đọc đến đây, dù những lời mình viết còn nhiều thứ tối nghĩa và rối rắm. Lớp Hồng Xiêm vẫn luôn là nơi mình gặp gỡ những người sẵn sàng chia sẻ và tranh luận những ý tưởng và suy tư bất chợt. Như mình vẫn nói, mở cái lớp này, lãi nhất là bạn bè thôi. Love you.
Nếu lỡ đâu có hứng thú, bạn có thể xem thêm những bài lảm nhảm khác ở album này: https://www.facebook.com/media/set/?vanity=lophochongxiem…